27/6/16

Cách khắc phục các sự cố thường gặp khi lái xe ô tô

Nổ lốp, kẹt ga, mất lái, trượt bánh là những sự cố hay gặp khi lái xe mà mỗi tài xế cần bình tĩnh và tích lũy kỹ năng để xử lý.
1. Nổ lốp

Nổ lốp là sự cố hay gặp cả ở xe hơi hay xe máy. Nổ lốp gây mất cân bằng xe, kéo theo mất kiểm soát tay lái có thể dẫn tới những tai nạn đáng tiếc. Tiếng nổ lớn dẫn đến các phản ứng tự nhiên của tài xế là nhanh chóng giảm tốc sau đó đánh lái sát vào lề đường. Nhưng bất cứ một sự chuyển hướng nào khi lốp bị nổ đều không an toàn, rất dễ gây ra tai nạn.

Để tránh rủi ro khi nổ lốp tài xế nên tuân theo các bước sau. Đầu tiên đạp lút chân ga khoảng một vài giây, việc này giúp xe có thể chạy thẳng mà không bị chuyển hướng. Sau đó nhẹ nhàng từ từ thả chân ga để duy trì tốc độ cho xe. Quan trọng nhất phải giữ xe đi đúng làn đường, tránh xa chân phanh. Từ từ giảm tốc độ xuống mức an toàn và đánh lái vào sát lề đường để sửa chữa hoặc chờ cứu hộ.
2. Bong mặt lốp

Bong mặt lốp (tread separation) tức là mặt lốp chưa gai bị tách khỏi cốt lốp chứa khung thép ở bên trong. Bong mặt lốp còn nguy hiểm hơn nổ lốp, quá trình có thể kéo dài vài ngày nhưng cũng có thể chỉ vài giây. Khi bong mặt lốp thường đi kèm tiếng động mạnh, sau đó là âm thanh nện xuống nền đường của lớp kim loại. Nếu phát hiện được nên sửa chữa kịp thời.
Cũng giống như nổ lốp, khi bị bong mặt lốp bất ngờ lúc đang di chuyển, bình tĩnh đạp lút ga vài giây, từ từ nhả ga, đi thẳng làn đường rồi mới ghé vào lề.
3. Kẹt ga

Hiện tượng kẹt ga không thường xảy ra nhưng hai sự cố ở trên, nhưng khi gặp trường hợp này, điều cần thiết là phải dừng nghe ngay lập tức, tất nhiên đảm bảo không bị xe phía sau đâm.
Với một số tài mới, chưa quen chân ga, chân phanh có thể bị nhầm lẫn luống cuống đạp nhầm chân ga và chân phanh, lúc này ngay lập tức giải phóng chân khỏi pedal để nhận định tình hình.
Khi mắc phải hiện tượng kẹt ga, ngay lập tức chuyển cần số về mo (N) hoặc đạp chân côn để tách liên kết, triệt tiêu ảnh hưởng của ga đến chuẩn động của trục bánh xe.
Nếu không thể đưa cần số về N, phương án cuối cùng là phải tắt động cơ. Nhiều xe hiện nay không cho phép chìa khóa xoay về vị trí khóa khi chưa đỗ, lúc này cần dùng tới quyền năng của phanh để giúp xe dừng và xoay chìa khóa. Với những xe khởi động bằng nút bấm, không cần chìa khóa thì cách trả số về N là duy nhất.
4. Tăng tốc đột ngột

Sự cố này có biểu hiện giống như kẹt ga, nhưng ở đây nguyên nhân không phải do lỗi kỹ thuật từ động cơ mà do chủ quan từ người lái khi sử dụng chân ga. Nhiều người thường hoảng loạn khi gặp bất ngờ trên đường và đạp chân ga nhưng vẫn nghĩ đó là chân phanh, nhất là với những người sử dụng số tự động.
Để khắc phục hiện tượng này cần cố gắng làm quen xe, không đi nhanh với xe lạ và các bước cũng như với kẹt ga nếu vẫn nhầm lẫn.
5. Dừng xe bất ngờ, không có ABS
Để dừng xe bất ngờ khi đang ở tốc độ cao mà không được trang bị hệ thống chống bó cứng phanh ABS, tài xế cần có kỹ năng lái xe thật thành thạo. Duy trì đạp mạnh chân phanh nhưng không đạp chết, sẽ gây hiện tượng khóa bánh. Lúc này tài xế phải trở thành một hệ thống ABS, sao cho bánh xe dừng mà không bị trượt.
Trong trường hợp này nhiều tài xế thường phanh và kết hợp với đánh lái sang một bên. Phanh nhả liên tiếp là cách tốt nhất để làm xe dừng mà không bị văng đuôi, đây cũng là cơ chế của hệ thống ABS.
6. Dừng xe bất ngờ, có ABS
Mọi chuyện dễ dàng hơn cho lái xe khi phải dừng xe bất ngờ với phanh ABS. Việc cần làm là đạp lún sâu chân phanh và giữ vững cho tới khi xe dừng hẳn. Nhưng để chuẩn bị tốt tinh thần khi lực quán tính giật mạnh gây ra khi đạp lún phanh, tài xế nên luyện tập ở những nơi vắng vẻ trước khi ra đường.
7. Luyện tập tránh tai nạn với phanh ABS



Có một chữ S thứ ba liên quan đến ABS ngoài Stomp (đạp mạnh) và Stay (giữ chân phanh) đó là Steer (đánh lái). ABS cho phép lái xe vẫn có thể đánh lái khi đang duy trì lực đạp mạnh trên chân phanh.
Nhưng đánh lái hoàn toàn về một hướng lại là một sai lầm, nên đánh lái thay đổi hướng liên tục. Bởi lẽ khi đánh lái chỉ về một hướng, xe sẽ có đà tiếp tục chạy khi tài xế giải phóng chân phanh, lúc đó có thể lao sang làn đường đối diện nơi có rất nhiều xe đang chạy ngược chiều hoặc lao vào lề đường, có thể là vách núi hay vực sâu.
Để thực hành kỹ năng này nên chọn khoảng đường vắng, xếp một hàng chai nước làm chướng ngại vật ngang lòng đường và bắt đầu tập phanh rồi đánh lái.
8. Chạy lệch khỏi đường
Trường hợp hay gặp khi vào cua hoặc tránh xe đối diện ở đường nhỏ có thể khiến tài xế đánh lái hai bánh xe ra khỏi mặt đường. Sẽ có nhiều nguy hiểm nếu bên ngoài lề đường không phải là một mặt phẳng hợp lý. Để xử lý trường hợp này, nên từ từ giảm ga, không sử dụng phanh, đánh lái một góc rất nhỏ để từ từ đưa xe trở lại làn đường, không đánh lái góc rộng bởi bề mặt bên ngoài có thể không đáp ứng được độ xoay của bánh xe, dẫn tới tai nạn.
9. Trượt bánh trước

Khi bị trượt bánh trước, hầu hết các lái xe sẽ phản ứng tuần tự gồm bỏ bàn đạp chân ga, không sử dụng phanh, không đánh lái,  đợi cho tới khi bánh trước lấy lại lực bám.
10. Trượt bánh sau
Không dễ kiểm soát như bánh trước, việc bị trượt bánh sau dẫn tới những sự cố nguy hiểm hơn. Để chủ động cần phải dự đoán được thời điểm bánh sau bị trượt. Sau đó nhanh chóng trả lại một góc vừa đủ, dự đoán thời điểm lực bám xuất hiện trở lại.
(Theo vnexpress)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét