Theo báo cáo mới nhất được biết hàng loạt các dự
án được giao bán, lượng giao dịch tăng mạnh trên thị trường bất động sản Tp Hồ
Chí Minh,... khiến bầu không khí kinh doanh bất động sản Việt Nam nóng lên từng
ngày, làm tăng thêm mức độ quan tâm của giới đầu tư trong và ngoài nước.
Bất động sản Việt Nam bắt đầu vào giai đoạn “hot”
Trong cuộc khảo sát doanh nghiệp bất động sản
về tương lai ngành bất động sản Việt Nam do Vietnam Report thực hiện, các doanh
nghiệp tỏ ra khá lạc quan với triển vọng tăng trưởng ngành. Khi được hỏi, đánh
giá của doanh nghiệp về môi trường đầu tư và kinh doanh của ngành bất động sản
từ năm 2013 trở lại đây, 100% doanh nghiệp cho rằng tình hình kinh doanh tốt
hơn so với giai đoạn trước, trong đó tỷ lệ đánh giá “tốt hơn nhiều” chiếm 17%
lựa chọn, và “tốt hơn một chút” chiếm đa phần với 83% lựa chọn.

Bên cạnh đó,
theo thống kê mới công bố của Tổng cục thống kê (GSO), hoạt động kinh doanh bất
động sản trong quý 1/ 2016 tăng 3,43%, là mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại
đây. Hàng loạt các dự án được giao bán, lượng giao dịch tăng mạnh,... khiến bầu
không khí kinh doanh bất động sản Việt Nam nóng lên từng ngày, làm tăng thêm
mức độ quan tâm của giới đầu tư trong và ngoài nước.
Theo dự báo của
CBRE, “mảnh đất hứa” của Hà Nội sẽ nằm ở phía Tây, với các dự án lớn nhỏ thi
nhau bung hàng, thu hút dòng tiền lớn đổ về, nổi bật là dự án Park Hill của
Vingroup, Hòa Bình Green City,...
Tại TP. Hồ Chí
Minh, khu Nam Sài Gòn được dự báo sẽ cực kỳ sôi động trong năm 2016. Nắm bắt
được xu thế đó, các doanh nghiệp bất động sản có tiềm lực tài chính mạnh (như
Novaland,... ) đã mua lại và tập trung đầu tư cho khá nhiều dự án tại khu vực
này. Các nhà đầu tư nước ngoài Phú Mỹ Hưng, Mapletree hay Tập đoàn Paujar cũng
đồng loạt triển khai xây dựng các dự án trung tâm thương mại lớn như Crescent
Plaza, SC Vivo City hay Big C Cityland...
Kịch bản tăng trưởng sẽ ra sao khi Thông tư 36
được sửa đổi?

Theo ý kiến của
nhiều chuyên gia kinh tế, việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn
từ 60% xuống 40% sẽ khiến dư nợ trung, dài hạn của nhiều ngân hàng (chủ yếu đổ
vào bất động sản) buộc phải giảm xuống. Bên cạnh đó, việc tăng hệ số rủi ro về
các khoản phải đòi bất động sản cũng gây ảnh hưởng đến dư nợ tín dụng ở lĩnh
vực này.
TS. Nguyễn Chí
Hiếu từng ước tính, dư nợ tín dụng bất động sản sẽ giảm khoảng 40.000 tỷ đồng,
một con số đáng kể có khả năng gây tác động không nhỏ đến các chủ đầu tư của
nhiều dự án đang triển khai với phần lớn nguồn vốn đến từ các khoản vay ngân
hàng (đặc biệt là các dự án phân khúc cao cấp và hạng sang).
Tuy nhiên, nếu
đứng ở góc độ ngân hàng thì việc siết tín dụng cho vay trong thời điểm thị
trường bất động sản đang vào giai đoạn tăng trưởng này là một biện pháp giảm
thiểu rủi ro đầu cơ vào bất động sản, tránh tình trạng thị trường tăng trưởng
quá nóng như đã từng xảy ra trước đây. Với các chủ đầu tư, đây được xem là cơ
hội tốt để các doanh nghiệp có uy tín, có năng lực thực sự vươn lên dẫn đầu xu
thế, đồng thời lọc bỏ những nhân tố yếu kém, nhờ đó tăng cường “sức đề kháng”
cho toàn ngành bất động sản.
Theo khảo sát
của Vietnam Report, gần 60% doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện đang sử
dụng vốn vay từ ngân hàng với tỷ trọng dưới 30% tổng nguồn vốn cho các dự án
(bên cạnh vốn tự có, vốn từ khách hàng và vốn huy động từ các đối tác trong và
ngoài nước). Nếu Thông tư 36 được sửa đổi như dự thảo, các doanh nghiệp này đương
nhiên sẽ bị ảnh hưởng, tuy nhiên không đến mức độ phá sản hay ngưng trệ hoạt
động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét