27/4/16

"Nguồn tín dụng dành cho thị trường bất động sản vẫn còn rất dồi dào"

Riêng đối với ngành bất động sản vẫn còn ít nhất khoảng hơn 600 nghìn tỷ của các tổ chức tín dụng có thể cho vay.


Theo nhìn nhận của ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đi theo giao dịch tăng lên, giá cả bất động sản đã ổn định và hợp lý hơn, do đó dòng tiền của xã hội, người dân cũng đổ vào thị trường mạnh hơn trong thời gian qua. Bất động sản cũng là thị trường quan trọng tạo ra công ăn việc làm nhiều hơn cho các thành phần kinh tế khác như xây dựng, nội thất… những hàng hóa khác liên quan đến thị trường bất động sản cũng phát triển theo.



Dòng tiền tăng lên cũng trong bối cảnh nhà nước có những quyết sách đúng đắn trong việc kiểm soát thị trường vàng, ngoại tệ… Ví dụ như ngoại tệ, vàng chủ trương biến thành tài sản chứ không phải phương tiện thanh toán, trở thành dạng của để dành, hạn chế lưu thông thanh toán… cho nên dòng tiền đó cũng hướng vào bất động sản nhiều hơn.

Thị trường chứng khoán trồi sụt, ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, các doanh nghiệp niêm yết của Vn cũng chưa minh bạch lắm, thị trường chứng khoán quốc tế như Trung Quốc, Mỹ… cũng không ổn định ảnh hưởng nhất định tới Việt Nam và tâm lý của người dân, điều này cũng góp phần hướng dòng tiền nhiều hơn vào bất động sản.

Về mặt con số, hiện nay dư nợ ngân hàng khoảng gần 4 triệu tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản tính đến cuối năm 2015 vào khoảng gần 400 nghìn tỷ đồng. Nếu tính cả trái phiếu doanh nghiệp thì tổng dư nợ bất động sản đến cuối năm 2015 xấp xỉ con số 500 nghìn tỷ đồng.

So với con số khoảng 180 nghìn tỷ đồng thời điểm năm 2012, dư nợ bất động sản đến cuối năm 2015 đã tăng hơn 2 lần và tăng gấp rưỡi so với mức tăng trưởng tín dụng chung. Theo ông Nam, mức dư nợ này chứng tỏ giới hạn cho vay bất động sản vẫn còn ở mức an toàn, tỷ trọng trung bình của ngưỡng an toàn dao động từ 10 - 15%. "Cho nên, theo tôi không có cơ sở nào để nói bong bóng bất động sản hay xảy ra chuyện này chuyện kia. Với tổng dư nợ chỉ khoảng hơn 8%, kể cả trong trường hợp xấu nhất nếu có xảy ra chuyện gì thì đối với nền kinh tế cũng không phải là chuyện gì quá ghê gớm như nhiều ý kiến lo ngại", ông Nam nhấn mạnh.

Ông Nam chia sẻ, trước đây người ta hay nói bất động sản ảnh hưởng đến ngân hàng nhưng thực ra không phải, chuyện của ngân hàng là câu chuyện khác với nhiều lý do như cho vay vượt chuẩn, sở hữu chéo… Cho nên chúng ta thấy, người ta chỉ xử lý ngân hàng chứ có xử lý bất động sản đâu.

Trong câu chuyện này, thực ra bất động sản là nạn nhân Đối với hoạt động đầu tư nước ngoài, năm 2015 đạt khoảng 20 tỷ USD trong đó lĩnh vực bất động sản đứng thứ 2 với tỷ lệ chiếm khoảng 17% tổng số vốn FDI thu hút được.

Cá biệt một số địa phương như TP.HCM, FDI vào bất động sản còn chiếm tới 60% tổng vốn FDI. Thống kê cho thấy, tiền đầu tư nước ngoài đổ vào bất động sản Việt Nam đặc biệt là 2 thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM rất lớn mỗi năm.

Đối với vốn FDI giải ngân thực tế thì đầu tư cũng khoảng 24 – 25% vào thị trường bất động sản, tức là mỗi năm bất động sản cũng thu hút được vài tỷ USD.

Ngoài ra, dòng tiền để dành của người dân trong mấy năm nay vẫn còn e ngại không xuống tiền do thị trường bất động sản gặp khó khăn, tiền gửi ngân hàng hấp dẫn… họ cũng đổ vào bất động sản mạnh hơn trong năm 2015 do thị trường khởi sắc, lãi suất huy động ngân hàng lại đang khá thấp, trong khi đó lãi suất cho vay mua nhà lại chỉ từ 7%/năm

Chủ tịch VNREA cho biết, các giao dịch mua bán bất động sản trong năm 2015 qua chủ yếu là khách hàng có nhu cầu thực, nhà mua là có người vào ở liền chứ giống như trước đây số lượng giao dịch nhiều nhưng chung cư vẫn trống huơ trống hoắc. Đặc biệt một số chủ đầu tư còn linh động ban hành chính sách ưu đãi hỗ trợ cho thuê lại đối với những khách hàng có nhu cầu mua nhà để cho thuê, và điều này là hoàn toàn phù hợp với xu thế của thị trường bất động sản hiện nay, nhất là khi Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kí kết




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét